Máy bay Malaysia mất tích: “Đã có thứ khủng khiếp xảy ra?”

“Trong trường hợp tất cả các thiết bị liên lạc, định vị trên máy bay đều bị hỏng thì phi công hoàn toàn có thể tự điều khiển đáp xuống sân bay gần nhất”.
Trên đây là ý kiến của Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm khoa kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM khi trao đổi với PV  về vụ máy bay của hãng Malaysia Airlines bị mất tích mới đây.
Theo tiến sĩ Tống thì Boeing 777 (loại máy bay mất tích) là loại máy bay rất tốt.
“Khi cất cánh và hạ cánh mà xảy ra vấn đề mới có thể so sai lầm của phi công, còn khi nó đã bay tới cao độ được thiết kế thì sẽ rất ổn định, gần như không thể xảy ra trục trặc. Trong trường hợp này máy bay bị mất tích giữa không phận Malaysia và Việt Nam thì có nghĩ nó đã lên tới độ cao ổn định”. – tiến sĩ Tống nhận xét.
Một chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines đã mất tích sáng nay, ngày 8/3 :Ảnh: News.cn
Ông cũng cho rằng trong giai đoạn này (máy bay đã ổn định) thì phi công có thể để chế độ bay tự động, “chỉ cần theo dõi chứ không cần can thiệp nhiều, trừ trường hợp có tình huống đột xuất”.

Theo tiến sĩ Tống, trong trường hợp tất cả các thiết bị định vị, liên lạc trên máy bay đều hỏng thì phi công vẫn có thể điều khiển bằng tay để đáp xuống sân bay gần nhất.
“Bây giờ các thiết bị rất hiện đại nhưng không có nghĩa là phi công phải bó tay nếu chúng không hoạt động. Trên thực tế phi công luôn biết rõ mình đang ở địa điểm nào vì máy bay liên tục được định vị, và họ sẽ định hướng rất nhanh những sây bay gần đó để kịp thời đáp xuống” – tiến sĩ Tống nói.
Cũng theo ông những trục trặc (nếu có) đã nằm trong dự kiến của nhà thiết kế, phi công nên việc chiếc máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích đột ngột như vậy hẳn phải do “một nguyên nhân khủng khiếp nào đó”.
Ông cũng cho biết đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, “đó là chiếc máy bay bị khủng bố”.
Có cùng quan điểm này với tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, ông Mohan Ranganathan, một chuyên gia về an toàn hàng không làm việc tại Ủy ban tư vấn an toàn hàng không Ấn Độ cho rằng “rất, rất hiếm khi” một máy bay mất liên lạc hoàn toàn mà không để lại thông tin về trục trặc đã xảy ra.
Neil Hansford, chủ tịch công ty tư vấn Các giải pháp hàng không chiến lược và từng là người điều hành hàng không, nhận xét về máy bay Boeing 777: “Đây có thể là một trong những loại máy bay dân dụng an toàn nhất trong lịch sử hàng không”.

Ông cho biết hơn 1.000 chiếc Boeing 777 đã được sản xuất và đến nay mới chỉ có 60 vụ việc được thông báo và hầu hết đều là các sự cố nhỏ. Boeing 777 là loại máy bay có 2 động cơ và khả năng cả hai động cơ cùng hỏng một lúc là vô cùng thấp.

“Nếu trong quá trình bay, một động cơ bị hỏng thì chiếc máy bay cũng không thể rơi xuống được”, ông nói.
Nguyễn Cường

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn